-
- Tổng tiền thanh toán:
Thịt lợn 280 ngàn/kg, nhập khẩu tăng 100% vẫn không đủ ăn
Tác giả: CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI - SẢN XUẤT THUỐC THÚ Y GẤU VÀNG Ngày đăng: 18/12/2019
Lượng thịt nhập khẩu về Việt Nam tăng tới 101% so với cùng kỳ, song Bộ Công Thương cho hay lượng thịt ngoại này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
Thịt nhập khẩu tăng khủng chưa từng có
Trước tình hình giá thịt lợn tăng như vũ bão những ngày gần đây, đưa giá lợn lên cao chưa từng có, Bộ Công Thương vừa có thông tin chính thức về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn những tháng cuối năm.
Cụ thể, theo Bộ Công thương, từ tháng 6 năm nay, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với đầu năm 2019).
Giá các sản phẩm thịt lợn đang ở mức rất cao. Cụ thể, lợn hơi xuất chuồng hiện lên tới 80.000-90.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tuần trước; giá thịt lợn thành phẩm 160.000-180.000 đồng/kg, tăng 15.000-20.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 12 năm 2019.
Giá thịt lợn tăng liên tiếp những ngày gần đây, lên mức cao nhất trong lịch sử |
Bộ Công Thương cho biết, trong 10 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đạt 96 nghìn tấn, trị giá hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng và tăng 94,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng thịt nhập khẩu vẫn chưa bù đắp được số thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
Thực tế, ghi nhận của PV. VietNamNet, những ngày gần đây giá thịt lợn tại các địa phương trên cả nước vẫn tiếp đà tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đơn cử, tại Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nội,... tăng lên 92.000-93.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng. Tại chợ đầu mối Hà Nam, giá thịt lợn đạt mức cao nhất trong lịch sử khi tăng lên 95.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh thành thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam,... giá lợn hơi đã tăng vượt mốc 90.000-93.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp chăn nuôi dịp này cũng liên tục điều chỉnh giá bán ra tăng thêm 1.000-2.000 đồng mỗi ngày.
Trong khi đó, giá thịt lợn tại chợ trên địa bàn Hà Nội liên tục được điều chỉnh tăng. Hiện giá thịt mông, thịt vai, thịt ba chỉ, chân giò rút xương giá lên 160.000 đồng/kg, thịt nạc thăn 180.000 đồng/kg, sườn lợn 200.000 đồng/kg, sườn non 260.000 đồng/kg. Một số siêu thị đã niêm yết giá thịt lợn ở mức 280.000 đồng/kg.
Nguồn cung thịt lợn Tết thiếu trầm trọng
Bộ Công Thương chỉ rõ, việc giá thịt lợn tăng mạnh là do ảnh hưởng của Dịch tả lợn châu Phi. Việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh dịch lây lan đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống cũng giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn. Chưa kể, nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng trong khi một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại, chưa bán chờ giá tăng cao hơn.
Mặc dù lượng thịt lợn nhập khẩu tăng gấp đôi nhưng vẫn không đủ bù đắp nguồn thiếu hụt trong nước |
Dịch bệnh hoành hành, theo Tổng cục Thống kê, khiến đàn lợn cả nước tháng 11/2019 giảm mạnh tới 22% so với cùng thời điểm năm trước. Nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.
Tại Đồng Nai, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đã giảm một nửa so với trước khi xuất hiện dịch tả (tháng 4/2019).
Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nhận định, số lượng lợn thiếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu Bộ NN-PTNT ước tính do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn, hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại, làm nguồn cung giảm mạnh mà ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn của người dân Hà Nội trong dịp Tết khoảng 22.300 tấn hơi/tháng (tăng khoảng 18-20% so với các tháng thường). Song, theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội, ước tính tổng đàn lợn trên địa bàn đến hết tháng 10/2019 khoảng 1.180 nghìn con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng tháng 10 là 18.800 tấn. Tính ra, sản lượng thịt lợn còn thiếu khoảng 3.500 tấn hơi trong dịp Tết.
Phần thịt thiếu hụt dự kiến được bù đắp từ việc tăng sản lượng xuất chuồng trong thời gian tới, và từ các sản phẩm thay thế khác tương đối dồi dào (sản lượng thịt bò tăng 0,6%, gia cầm tăng 18%, thủy sản tăng 5,9%) và khai thác từ các tỉnh, thành lân cận (Hà Nội đã ký thỏa thuận phối hợp phòng, chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm,... với 24 địa phương).
Tương tự, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2019 cũng giảm hơn 20% so với năm 2018.
Để bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2020, ngoài việc chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động có kế hoạch dự trữ hàng hóa, Sở Công thương Hà Nam cũng phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tuyên truyền, định hướng cho cơ sở sản xuất, người dân tăng cường tiêu dùng các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu.
Nguồn: vietnamnet.vn